Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Người xây dựng nhà hát múa rối nước

                      Người xây dựng nhà hát múa rối nước
Trong số những đạo diễn đang sống và làm việc tại Huế, anh là người dám dung hòa hai nền văn hóa Bắc – Nam bằng cách đưa những ao làng, bờ tre, bụi chuối… thấm đẫm hồn quê của nghệ thuật múa rối để loại hình này nhẹ nhàng đi vào tuổi thơ của những em bé, những bà mẹ. Đặc biệt, ngoài Nhã nhạc, múa cung đình và ca Huế trên sông Hương, múa rối nước đã trở thành một một sản phẩm du lịch không thể thiếu đối với du khách nước ngoài khi họ đặt chân đến Huế. Khi nói về anh, NSƯT Ngọc Bình – Giám đốc Nhà hát ca kịch Huế nhận xét: “Nguyễn Phi Tuấn là người dám hy sinh bản thân và gia đình vì hai chữ đam mê”.
Thăng trầm nghiệp diễn

Xuất thân là một học sinh chuyên văn của tỉnh Bình Trị Thiên cũ, tuổi thơ khó khăn không cho anh đi hết con đường của một người cầm bút. Năm 17 tuổi, anh quyết định thử tài với nghiệp diễn. Đâu ngờ lần thử tài này đưa cuộc đời anh đến với ánh đèn sân khấu.

Anh kể, năm 1983, dù chỉ mới học diễn xuất được một năm nhưng anh đã được Đoàn kịch nói Bình Trị Thiên nhận về để làm diễn viên chuyên nghiệp. Tại đây anh không đảm nhận một vai diễn nhất định nào, có lẽ tạo hóa đã dành sẵn cho anh một con đường đi khác. Đúng như số phận những nhân vật sân khấu, vì cơm áo, gạo tiền anh tiếp tục tìm một lối rẽ riêng bằng cách mang ba lô vào Đắc Lắc làm phóng viên cho đài truyền hình Đắc Lăck. Tuy vậy, sau ba năm làm phóng viên với bao trải nghiệm khó khăn giữa đời thường, anh vẫn nhớ ánh đèn sân khấu quay quắc, và rồi năm 1986, anh cơm đùm, gạo bới ra học diễn viên khoa sân khấu tại Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.
 
Năm 1991, sau khi tốt nghiệp anh quyết định về lại Đắc Lắc với mong muốn góp chút công sức cho mảnh đất đã nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật của mình. Năm 1992, anh được Sở Văn hóa thông tin tỉnh Đắc Lắc mời về làm diễn viên phong trào và đạo diễn cho Đoàn Nghệ thuật múa rối và Ca nhạc tổng hợp Đắc Lắc. Sau nhiều năm sống trong môi trường nghệ thuật, anh quyết định đi tìm cái mới từ ý tưởng của người nghệ sỹ chuyên nghiệp. Bỏ lại sau lưng cuộc sống êm đềm, bỏ lại người vợ và hai đứa con thơ, anh tiếp tục khăn gói ra Hà Nội học đạo diễn sân khấu để mong thỏa được cơn khát đam mê sáng tạo.
      Người xây dựng nhà hát múa rối nước
   Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn đang biểu diễn múa rối
Sau bốn năm gian khổ, tưởng rằng nghiệp diễn sẽ ưu ái với anh, nhưng tất cả chỉ là con số không tròn trĩnh, bởi chỗ đứng ngày xưa ở Đoàn Nghệ thuật múa rối và ca nhạc tổng hợp Đắc Lắc đã có người thay thế. Anh trở thành người lữ hành cô độc trong thế giới nghệ thuật.
 Về cố hương
Tuổi thơ của anh là những ngày lớn lên cùng Huế, nhưng vì cuộc mưu sinh phải từ giã Cố đô để tìm phương lập nghiệp. Bao nhiêu lần anh hẹn về thăm quê nhưng đành gác lại.

Festival Huế năm 2002, sau bao năm dành dụm, anh quyết định đưa vợ con về thăm quê. Và cũng tại đây, qua giới thiệu của bạn bè anh được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mời ở lại để làm đạo diễn cho Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế. 
Về quê và có công việc ổn định, anh bắt tay xây dựng nên những ý tưởng. Nhiều vở diễn sân khấu, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã được anh xây dựng thành công; các kỳ Festival của Huế anh đều được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen, được đồng nghiệp đánh giá cao. Tuy vậy, những ngày diễn rối, viết kịch bản cho rối khi còn ở Đắc Lắc như đã thấm sâu vào máu thịt của anh. Làm đạo diễn sân khấu nhưng luôn dành thời gian để mơ mộng về các động tác, về cái chuyển mình của con rối. Anh thường tâm sự với bạn bè, “có lẽ mình đã yêu rối mất rồi”. Và anh yêu rối thật, anh bỏ ngoài tai mọi sự can ngăn của bạn bè, anh cầm cố nhà cửa lấy tiền để đầu tư vào nghệ thuật múa rối.
 Đem về những ý tưởng của đam mê và nhiệt huyết để xây dựng nên nhà hát múa rối “Cố đô Huế”. Anh bắt tay vào tuyển diễn viên, mời thầy về đào tạo… Và bên cạnh việc kế thừa nền tảng tinh túy của múa rối nước truyền thống, anh đã xây dựng được một nhà hát có phong cách riêng với những tiết mục rối mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống và cung đình Huế từ âm nhạc, tạo hình, kiến trúc cho đến tuồng tích… khiến người xem có thể vừa thưởng thức những nét hoạt náo, vui nhộn, dí dỏm của rối nước truyền thống Bắc bộ, vừa cảm nhận được chất rối Huế qua âm hưởng, sắc màu sâu lắng, trữ tình của những khúc Nam ai, Nam bình…

Đêm đã khuya, từng tốp du khách dạo bước để cảm nhận vẻ trầm mặc của Huế, và từ trong góc khuất đang trỗi dậy những đam mê, cuộc dạo chơi để trải nghiệm với nghệ thuật múa rối của đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn trên đất Cố đô xưa chỉ mới bắt đầu.
 Ông Cao Chí Hải – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Nhà hát múa rối Cố đô Huế là đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ xã hội hóa, mang đúng chức năng giáo dục cho trẻ em ở Huế, đồng thời tạo ra được một địa điểm du lịch đúng nghĩa để phục vụ du khách. Khác với các đơn vị nghệ thuật khác, Nhà hát múa rối Cố đô Huế đã phát hiện, đào tạo tại chỗ và tạo công ăn việc làm cho hơn 25 em có hoàn cảnh khó khăn”.

Theo Trọng Bình – Baothuathienhue.vn