Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Sẽ có một Nhà hát múa rối nước bên bờ sông Hương




         Bắt đầu là một ý tưởng tưởng chừng rất khó thực hiện, tuy nhiên đến hôm nay cái ý tưởng đem nghệ thuật múa rối nước đến với công chúng Huế của Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn đã bước đầu tạo tiền đề cho Huế có thêm một sân chơi nghệ thuật nhằm thu hút khách du lịch đến với văn hóa Huế, và góp thêm phần vào món ăn tinh thần của các em thiếu nhi đang khao khát một sân chơi giải trí dành riêng lứa tuổi của mình.

Trong các loại hình văn hóa nghệ thuật giải trí của Huế như: Nhã nhạc, tuồng cung đình, múa cung đình và ca Huế... thì múa rối nước cũng đã được các Đoàn nghệ thuật từ miền đồng bằng Bắc bộ xa xôi nhiều lần mang loại hình nghệ thuật này đến với Huế. Họ thuê mặt bằng và tìm đối tác để mong có một “chỗ đứng” trong lòng khán giả đang sống trên mảnh đất thần kinh, nhưng tất cả đều thất bại, có lẽ nguyên nhân là do bản tính cầu kỳ của người dân nơi đây, bởi đối với người dân cố đô Huế thì nghệ thuật cũng là một món ăn tinh thần nên nó cần một sự tinh tế hơn nữa chứ không phải là một sự biểu diễn nghề nghiệp đơn thuần của người diễn viên. Và rồi tất cả đành phải rút lui khi sân khấu múa rối mà họ muốn tạo dựng không thể sáng đèn vì vắng khán giả đến xem. Chính vì vậy, đã có nhiều ý kiến cho rằng múa rối không thể “sống được” nơi đây. Tất cả đó như là một “dấu chàm đen” và chưa có một nhà nghệ thuật nào dám trở lại “làm múa rối” trên mảnh đất thơ mộng nhưng cũng lắm kiêu sa này. Nhưng lạ thay cái khó khăn ấy cũng là niềm đam mê mà đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn muốn dấn thân vào, ông bảo: “Tôi dám xây dựng một Nhà hát múa rối ở Huế vì tôi là người Huế, tôi hiểu được văn hóa Huế, hiểu được con người của Huế, biết được họ đang mong muốn điều gì... tôi nghĩ tôi sẽ làm được”. Và tháng 10 năm 2007 này, Nhà hát Múa rối cố đô Huế sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây là Nhà hát múa rối mà tiền thân là Câu lạc bộ múa rối thuộc Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, được thành lập vào tháng 07/2003 với một đội ngũ diễn viên trẻ đầy nhiệt huyết được tuyển chọn từ các Trường nghệ thuật của Huế.
       Chúng tôi đến địa chỉ 49 đường Lê Lợi thành phố Huế (phía bên phải trong khuôn viên khách sạn Century), nơi Nhà hát múa rối cố đô Huế dùng làm địa điểm để xây dựng nhà hát, nhìn các diễn viên đang tập luyện các tiết mục mới thấy sự vất vả của những người nghệ sĩ múa rối, nhưng tất cả đều rất hăng say và cố tập cho được động tác để hoàn thành tiết mục mà đạo diễn vừa chỉ vẽ để cho kịp ngày khai trương nhà hát. Bất chợt tôi nhớ đến câu nói nghệ sĩ Văn Học, một người nổi tiếng trong làng nghệ thuật múa rối của miền Bắc: “...muốn trở thành một nghệ sĩ múa rối thì bạn phải biết kiên nhẫn tập luyện để múa rối trở thành một phần hồn của bạn, bởi đó là một môn nghệ thuật mà cho dù biểu diễn ở bất cứ đất nước nào trên thế giới, dù bất đồng ngôn ngữ, không cùng màu da và khác nhau về tín ngưỡng tôn giáo nhưng đó chính là chiếc cầu nối văn hóa giữa dân tộc Việt với bạn bè quốc tế khi chúng ta biết đưa cái tinh túy của múa rối đến được với người xem”.
Một buổi tập luyện của các diễn viên Nhà hát múa rối nước Cố đô Huế
Được biết, Nhà hát múa rối cố đô Huế mặc dù sẽ kế thừa những cái hay, cái đẹp của múa rối truyền thống nhưng tiêu chí được ưu tiên hàng đầu vẫn là xây dựng một chương trình biểu diễn mang phong cách riêng của Huế như: Âm nhạc, kiến trúc, tạo hình... và đặc biệt là những câu chuyện điển tích mang đậm văn hóa truyền thống và cung đình Huế. Ông Nguyễn Phi Tuấn, phụ trách Nhà hát múa rối cố đô cho biết: Hiện số lượng diễn viên của nhà hát là 26 người và họ là những người đã được các chuyên gia múa rối của Nhà hát múa rối Trung ương trực tiếp đào tạo. Đây cũng là mục tiêu lâu dài để Nhà hát có một đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp. Ông Tuấn cũng cho biết thêm: Vốn đầu tư ban đầu để xây dựng Nhà hát múa rối cố đô Huế là 600 triệu đồng, đây là vốn để xây dựng các chưong trình biểu diễn và các hạng mục thuộc nhà hát như: Nhà thủy đình, khu biểu diễn, khán đài...
Thật thú vị khi Huế có thêm một loại hình nghệ thuật sẽ được đưa vào hoạt động để phục vụ du khách và các “thượng đế” nhỏ tuổi của đất cố đô Huế. Chúng tôi hy vọng rằng, Nhà hát múa rối cố đô Huế sẽ là địa chỉ có thể tạo cho du khách một cảm giác thanh thản như được sống trên một miền quê bình yên của xứ Huế mỗi lần đến đây xem nghệ thuật múa rối.
Trọng Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét