Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

ĐẠO DIỄN NGUYỄN PHI TUẤN : MẠO HIỂM VỚI...RỐI


                                    Đạo diễn Phi Tuấn


                
Đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà hát múa rối ở Huế là một quyết định táo bạo và mạo hiểm của đạo diễn Nguyễn phi Tuấn. Đây là nhà hát múa rối tư nhân thứ hai trên cả nước được thành lập cho đến thời điểm này.           

            Sau 3 năm ấp ủ ý tưởng, mới đây Nhà hát múa rối "Cố Đô Huế" do đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn phụ trách đã được khai trương tại 49 Lê Lợi, Thành phố Huế. Bước đầu đã tạo được một dịch vụ văn hóa nghệ thuật truyền thống độc đáo hấp dẫn, phục vụ khán giả và du khách khi đến với Huế. Ông Nguyễn Phi Tuấn cho biết : riêng khâu chọn địa điểm, những người thành lập nhà hát đã mất hơn một năm mới tìm được khu đất có địa thế lý tưởng nằm giữa trung tâm thành phố.Ngoài yếu tố thuận tiện cho du khách, cái khó là làm sao đặt được một nhà hát múa rối với ao làng, bờ tre, bụi chuối... thấm đẫm hồn quê vào giữa lòng thành phố mà không bị "Chõi". Và điều đó họ đã làm được.
        * Phóng viên (PV) : Vì sao ông lại quyết định đầu tư xây dựng nhà hát múa rối tại thành phố Huế?
  • Đ.D Phi Tuấn : Vì Huế đang thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch, trong khi một số nơi như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội...múa rối rất được du khách ưa chuộng, thậm chí các xuất diễn không đủ vé bán. Tôi cứ nghĩ, tại sao Huế là một thành phố du lịch lại không làm được?
  • PV : Nhưng trước ông, có người đã thử nghiệm với sân khấu rối tại Huế, và đã thất bại?
  • Đ.D Phi Tuấn : Nói thật, khi biết ý định xây dựng nhà hát múa rối ở Huế của tôi, nhiều người đã không hết lời can ngăn. Họ bảo, đó là một sự đầu tư mạo hiểm. Vì vậy, khi kêu gọi góp vốn, ai cũng lắc đầu từ chối. Cuối cùng, chỉ có tôi với chị Ánh Nguyệt- một thành viên của CLB múa rối Huế- làm liều thế chấp hai thẻ đỏ nhà vay tiền ngân hàng xây dựng nhà hát.
  • PV : Vậy ông không thấy  mạo hiểm sao?
  • Đ.D Phi Tuấn : Mạo hiểm chứ, nhưng biết làm sao được, vì mình đã trót "Yêu" Rối mất rồi. Nhưng nói thế chứ cũng không phải nhắm mắt làm liều. Trước khi làm, mình cũng đã tìm hiểu rất kỹ nguyên nhân vì sao những người đi trước thất bại. Nói chung, thời đó( 1993), khi sân khấu rối còn đặt tại 11 Lê Lợi - Huế (TT dịch vụ Festival bây giờ) thì du lịch Huế chưa mạnh. Du khách đến Huế còn thưa thớt và mức sống của người dân chưa cao. Nhưng bây giờ thì khác, Huế đã trở thành một trung tâm du lịch lớn, một thành phố Festival của Việt Nam, mỗi năm đón hàng triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Nên điều kiện chắc chắn là thuận lợi hơn.
  • PV : Là một đạo diễn sân khấu, không biết ông đã yêu Rối từ khi nào?
  • Đ.D Phi Tuấn: Không biết số phận đưa đẩy thế nào mà học xong đạo diễn sân khấu tại trường đại học sân khấu & điện ảnh Hà Nội, mình lại được phân công về làm đạo diễn một đoàn rối tại  Tây nguyên. Ban đầu, thấy mình cầm quân rối, mọi người bảo :" Cậu này có năng khiếu rối đấy". Thế là hơn 10 năm chung sống với rối, từ diễn, viết kịch bản cho đến đạo diễn rối... Đến năm 2002, rời Tây nguyên về công tác tại Huế. Dù làm đạo diễn, công tác nghiên cứu về Nhã nhạc, múa cung đình, nhưng vẫn không bỏ được niềm đam mê với rối. Mình đã đề nghị với nhà văn hóa thành phố Huế, cho thành lập một câu lạc bộ múa rối cạn. Và nay, nhà hát múa rối "Cố đô Huế" đã được hình thành trên cơ sở của CLB này.
  • PV : Nhưng dù sao thì Huế cũng không phải là cái Nôi của múa rối nước, nên chắc chắn sẽ khó cạnh tranh và phát triển hơn?
  • Đ.D Phi Tuấn : Đó cũng là một cái khó. Hơn nữa, chúng tôi là một đơn vị tư nhân thứ hai trong cả nước trên lĩnh vực này. Chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những đơn vị nhà nước được bao cấp. Tuy nhiên, nhà hát hiện nay lại có một đội ngũ diễn viên trẻ và nhiệt tình, được đào tạo tại các trường nghệ thuật. Lại được chính các chuyên gia của nhà hát múa rối Trung ương vào trực tiếp giảng dạy và dàn dựng. Nhà hát có một địa điểm biểu diễn thuận tiện và dễ dàng tiếp nhận du khách. Bên cạnh việc kế thừa nền tảng tinh túy của múa rối nước truyền thống, nhà hát còn có chiến lược lâu dài xây dựng một nhà hát có phong cách riêng với những tiết mục rối mang đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống và cung đình Huế từ âm nhạc, tạo hình, kiến trúc cho đến tuồng tích... làm sao để khi người xem có thể vừa thưởng thức những nét hoạt náo, vui nhộn, dí dỏm của rối nước truyền thống Bắc bộ, vừa cảm nhận được chất rối Huế qua âm hưởng, sắc màu sâu lắng, trữ tình của những khúc Nam ai, Nam bình, hát Hầu văn, hò giã gạo... Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu và thử nghiệm cả Nhã nhạc, múa cung đình vào sân khấu rối ở Huế. Có thể nói, đó là khát vọng của nhà hát. Nhưng, muốn khai phá được một phong cách mới, thì cần phải có thời gian và sự đầu tư tâm sức.
  • PV : Và bây giờ, ông có thể nói gì sau gần một tháng nhà hát đi vào hoạt động?
  • Đ.D Phi Tuấn : Mừng là nhà hát bước đầu đã được du khách đón nhận một cách hào hứng. Hiện nay, mỗi buổi có khoảng 30-40 du khách vào xem biểu diễn, phần đông là khách nước ngoài. Chúng tôi cũng đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá. Một số đơn vị lữ hành tỏ ra hào hứng khi chúng tôi đặt vấn đề hợp tác. Họ nói, nhu cầu xem nghệ thuật rối của du khách hiện nay là rất lớn, trong khi nhà hát múa rối "Cố đô Huế" là sân khấu rối nước duy nhất ở miền Trung hiện nay. Tuy nhiên, với lượng khách hiện tại khi nhà hát mới mở cửa hoạt động thì mới chỉ tạm đủ thu bù chi... Nếu hạch toán kinh tế, thì riêng tiền lương, bồi dưỡng cho 30 diễn viên, nhân viên của nhà hát cũng đã vào khoảng 40-50 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể chi phí điện, nước, tiền mặt bằng và trả lãi ngân hàng. Chúng tôi đang dự định, sẽ xây dựng thêm một sân khấu nổi để có thể biểu diễn đan xen cả rối cạn và rối nước. Nhưng nói thật, đến thời điểm này thì nguồn vốn cũng đã hết cạn.                                       
  •  Nói gì thì nói, chứ về bài toán kinh tế thì đúng là cuộc mạo hiểm với rối của đạo diễn Phi Tuấn giờ đây mới thực sự bắt đầu.                                                       

                                  Kim Oanh ( thực hiện )
        ( Theo "Thừa thiên Huế cuối tuần" số 409 ngày 25/11/2007 )

         Khánh thành nhà hát múa rối " Cố Đô Huế" ngày 03/11/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét