Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Múa rối nước - cần được bảo tồn

  Múa rối nước - cần được bảo tồn
Bộ VHTTDL đã chính thức gửi văn bản đến Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam xin ý kiến về danh sách 12 di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012 - 2016, trong đó có Múa rối nước đồng bằng Bắc Bộ.
Nhằm giúp mọi người hiểu hơn về môn nghệ thuật truyền thống múa rối nước, GS. Hoàng Chương vừa giới thiệu tới công chúng cuốn sách "Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam” do ông chủ biên.
 
Múa rối nước quen mà lạ
Múa rối nước cũng như Tuồng, Chèo, Ca trù, Quan họ... là những loại hình nghệ thuật truyền thống quý giá của Việt Nam. Theo GS. Hoàng Chương, những loại hình nghệ thuật này đều có tuổi đời vài trăm năm, nhưng cho đến nay việc nghiên cứu về múa rối nước chưa được quan tâm thích đáng, do vậy vẫn chưa có công trình nào, nguồn tư liệu nào khẳng định một cách thuyết phục múa rối nước ra đời từ đâu và vào thời điểm cụ thể nào, mặc dù đã có nhiều nhà nghiên cứu như Trần Văn Khê, Nguyễn Huy Hồng, Tô Sanh từng luận bàn về múa rối nước.
 Đã đến lúc chúng ta nghiêm túc đặt lại vấn đề quan trọng này (nguồn gốc, lịch sử), đồng thời đặt vấn đề nghiên cứu tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về bộ môn nghệ thuật múa rối nước nhằm phục hồi di sản tinh thần đặc sắc mà ông cha đã để lại cho chúng ta. Đó có lẽ là một trong những lý do khiến một người tâm huyết với các bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam như GS. Hoàng Chương và những cộng sự của ông là TS - NSƯT Đoàn Thị Tình, NSƯT Đặng Ánh Ngà, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cùng nhau hợp tác, giới thiệu tới công chúng cuốn sách "Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam”.

Có dịp tiếp cận với cuốn sách "Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam”, độc giả không những được hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật được coi là linh hồn của đồng ruộng Việt Nam, mà còn hiểu vì sao múa rối nước Việt Nam được đề cao trên thế giới và có vị trí xứng đáng trong nền nghệ thuật dân tộc.

Chờ các nhà quản lý văn hóa vào cuộc
Như chúng ta đều biết, ở sân khấu Tuồng, Chèo, Cải lương, Ca kịch, Kịch nói, Xiếc, Múa,... những con người thật dùng cơ thể, hành động, lời nói, tình cảm... của mình để biểu diễn, thì ở múa rối nước là những pho tượng gỗ nhỏ bé, thậm chí thô mộc. Tuy nhiên, qua bàn tay điều khiển của nghệ nhân, kết hợp với khung cảnh mỹ thuật và sân khấu Thủy đình, các tượng gỗ mộc mạc ấy trở nên có tâm hồn, có tình cảm, đem lại những hiệu quả nghệ thuật nhất định, làm cho người xem bất ngờ, sửng sốt, khâm phục...

Theo GS. Hoàng Chương, trong tiến trình phát triển xã hội, nhu cầu thưởng thức của người xem cũng phát triển, do đó bất kỳ nghệ thuật nào cũng phải cách tân, đổi mới. Múa rối nước cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đó có lẽ là một trong lý do khiến gần đây Nhà hát Múa rối Trung ương liên tục cho ra những vở diễn thể nghiệm múa rối nước kết hợp với con người, múa rối nước kết hợp với nghệ thuật sắp đặt... Cách tân, đổi mới sân khấu múa rối nước dân gian là cần thiết song không được làm biến dạng, làm mất bản sắc của bộ môn nghệ thuật độc đáo này, một nghệ thuật "độc nhất vô nhị” trên thế giới.
Nhìn chung, múa rối nước dân gian đang tồn tại và phát triển rất tự do và tùy tiện, mạnh ai nấy làm, theo nhận thức riêng của mình. Cũng như các loại hình sân khấu truyền thống (Tuồng, Chèo, Ca trù, Quan họ), nghệ thuật múa rối nước dân gian hiện không được đông đảo công chúng Việt Nam mặn mà lắm do không thay đổi trò diễn và không nâng cao mỹ thuật quân rối và nghệ thuật biểu diễn...
Một nguyên nhân khác là việc tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ dân tộc cho công chúng về múa rối nước cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm cho người ta thấy hết cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của múa rối nước dân gian. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan quản lý văn hóa phải thấy hết những mặt mạnh và mặt yếu của múa rối nước dân gian mà vào cuộc thật sự thì mới có thể bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này thật sự có hiệu quả.

(HUY VĂN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét