Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Tinh hoa nghệ thuật rối nước

 Múa rối nước (hay còn gọi là trò rối nước) là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, một sáng tạo đặc biệt của người Việt.
Múa rối nước đã ra đời chừng hơn 10 thế kỷ trước ở vùng châu thổ sông Hồng. Loại hình này thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Trò rối nước cũng được coi là nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Nghệ thuật múa rối nước đã ăn sâu vào lòng, vào tinh thần của những người dân nơi đây. Thế hệ trẻ đã được phát huy tinh thần ấy. Nơi đây, đã tổ chức nhiều lớp truyền nghề cho một số em thiếu nhi có năng khiếu về loại hình nghệ thuật này.

Nghệ thuật trò rối nước có những đặc điểm khác với múa rối thông thường: dùng mặt nước làm sân khấu (gọi là nhà rối hay thủy đình), phía sau có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã... trên "sân khấu" này là những con rối (được làm bằng gỗ) biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây... Biểu diễn rối nước không thể thiếu những tiếng trống, tiếng pháo phụ trợ.
Con rối làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghỉnh, tính hài và tính tượng trưng cao.

Phần thân rối là phần nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động.
Máy điều khiển và kỹ xảo điều khiển trong múa rối nước tạo nên hành động của quân rối nước trên sân khấu, đó chính là mấu chốt của nghệ thuật trò rối nước.

Máy điều khiển rối nước có thể được chia làm hai loại cơ bản: máy sào và máy dây đều có nhiệm vụ làm di chuyển quân rối và tạo hành động cho nhân vật. Máy điều khiển được giấu trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, cống hiến cho người xem nhiều điều kỳ lạ, bất ngờ.

Buồng trò rối nước là nhà rối hay thủy đình thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam.
Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt... hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó.
Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò . Buồng trò, sân khấu được trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã...Buổi diễn rất nhộn nhịp với lời ca, tiếng trống, mò, tù và, chen tiếng pháp chuột, pháo thăng thiên, pháo mở cờ từ dưới nước lên, trong ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo.

Trò rối nước là trò khéo lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, rối nước gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa. Âm nhạc điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác, gây không khí với tiết tấu truyền thống giữ vai trò chủ đạo của trò rối nước, nhạc rối nước thường sử dụng các làn điệu chèo hoặc dân ca đồng bằng Bắc Bộ.
Theo các truyền thuyết, huyền thoại lịch sử, trò rối nước ra đời từ thời xây thành Cổ Loa, Kinh An Dương Vương, năm 255 trước công nguyên. Còn theo sử sách, văn bia trò rối nước ra đời năm 1121 (đời Lý).

Trong kho tàng trò rối nước của Việt Nam, có 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục rối hiện đại kể về những sự tích dân gian và cuộc sống hàng ngày của người dân Việt. Các trò diễn thường được mở đầu bằng sự giới thiệu của chú Tiễu,mô tả:
Những sinh hoạt đời thường như: công việc nhà nông, câu ếch, cáo bắt vịt,
Lễ hội: múa rồng, múa sư tử, rước kiệu, đấu vật, đánh võ, chọi trâu.
Trích đoạn một số tích cổ: Thạch Sanh, Tấm Cám...
Trong những năm qua, nhiều đoàn múa rối nước của Việt Nam tham dự một số Liên hoan múa rối quốc tế đã giành được nhiều giải thưởng cao và đã gây được sự chú ý của khán giả nhiều nước. Giá trị của múa rối nước đã ăn sâu vào trong lòng không chỉ những người dân đất Việt mà cả một số quốc gia trên thế giới bởi chính giá trị độc đáo của nó. Múa rối nước chỉ còn ở Việt Nam. Tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, chỉ có rối tay, rối que và rối dây. Múa rối nước hiện nay đã biến mất ở Trung Quốc và ngày nay "chỉ còn tồn tại ở Việt Nam".

Nghệ thuật rối nước là đặc phẩm văn hóa bản địa dân tộc Việt Nam.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Huế: Nhà hát nghệ thuật múa rối nước đã đi vào hoạt động

 Huế: Nhà hát múa rối nước đi vào hoạt động
Tối 3 -11-2007 Nhà hát múa rối cố đô Huế đã chính thức đi vào hoạt động bằng những tiết mục biểu diễn đầu tiên do 19 diễn viên trẻ của Huế thực hiện (ảnh).

Nhà hát được xây dựng rộng 230m2 với nhà biểu diễn và khán đài 162 chỗ, nằm trong khuôn viên khách sạn Century bên bờ sông Hương thơ mộng. Đặc biệt, một số thành viên của Câu lạc bộ múa rối Thần Tiên (rối cạn) của Huế đã cùng đầu tư gần 700 triệu để xây dựng nhà hát này, cũng như tổ chức mời các chuyên gia của Nhà hát Múa rối trung ương đào tạo cho 19 diễn viên nói trên miệt mài trong ba tháng qua.

Đạo diễn Nguyễn Phi Tuấn - phụ trách nhà hát - cho biết từ nay múa rối nước sẽ biểu diễn hằng đêm nơi đây với hai suất diễn. Hiện nhà hát có 19 tiết mục, ban đầu biểu diễn kế thừa làn điệu và nghệ thuật độc đáo của múa rối nước truyền thống, tuy nhiên thời gian tới sẽ đưa một số làn điệu âm nhạc truyền thống Huế như nhã nhạc, múa hát cung đình... để múa rối mang phong cách của Huế cả về âm nhạc lẫn tạo hình. Trong tương lai, nhà hát này sẽ bố trí thêm một sân khấu nổi để biểu diễn cả múa rối cạn.

Việt Báo (Theo_TuoiTre)